Học thuyết trong thực tiễn Chiến tranh thế giới thứ hai Tác chiến chiều sâu

Ảnh hưởng của cuộc Đại thanh trừng

Ngoại trừ Triandafillov chết vì tai nạn máy bay, các tác giả khác của "Tác chiến chiều sâu" đều trở thành nạn nhân của đợt thanh trừng của Stalin thời kỳ 1937-1941: Tukhachevsky bị xử bắn năm 1937, Svechin sau đó 1 năm, Varfolomeev bị bắt giam và chết năm 1941[51], Isserson bị bắt và bị đày cùng năm[52]. Ngoài họ ra, Hồng quân còn mất 2 trong số 4 Nguyên soái[Ct 13], 14/16 Tư lệnh Tập đoàn quân, 60/87 Quân đoàn trưởng, 136/199 Sư đoàn trưởng, 221/397 Lữ đoàn trưởng[53], và đấy là một thế hệ các nhà lý luận quân sự và chỉ huy ưu tú.

Sau đợt thanh trừng, do các tác giả bị gọi là "kẻ thù của nhân dân" và vì I. V Stalin không nhắc tới bản Điều lệ 1936, nên "Tác chiến chiều sâu" bị rơi vào bóng tối, còn các sĩ quan trở nên thận trọng trong việc ứng dụng ý tưởng của những người tiền nhiệm[54]. Trước thềm chiến tranh, nền khoa học quân sự đi vào bế tắc, nghệ thuật chiến dịch bị bỏ rơi, chiến thuật tấn công 2 thê đội bị phê phán, còn 4 quân đoàn xe tăng được thành lập trước đó bị chẻ nhỏ vào các sư đoàn cơ giới hoá[Ct 14].

Chỉ sau khi chứng kiến sức mạnh của blitzkrieg với các quân đoàn thiết giáp Đức Quốc xã giai đoạn 1939-1940, thì các lãnh đạo của Hồng quân mới nhận ra sai lầm, nhưng không còn thời gian để sửa sai. Khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 6 năm 1941, Hồng quân đang tái tổ chức lực lượng[Ct 15]; vũ khí đang được tái trang bị; công tác huấn luyện và hậu cần chỉ mới đang sắp xếp; hệ thống thông tin - kiểm soát đang thiết lập và các chỉ huy chưa có kinh nghiệm. Trong tình trạng đó, Hồng quân đã phải trả giá rất đắt[55].

Sự trở lại của Hồng quân với học thuyết

Cuộc xâm lược bất ngờ của Đức Quốc xã tháng 6/1941 làm Liên Xô rúng động tận gốc, đặt Hồng quân trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Dưới áp lực sinh tồn, Hồng quân phải tự tổ chức lại, và con đường đó không có gì khác hơn là từng bước quay trở lại với các nguyên tắc đã thiết lập trong Điều lệ tác chiến 1936, mặc dù bản thân Điều lệ và các tác giả của nó không hề được nhắc tên trong một văn bản chính thức nào[56].

Ngày 10/1/1942, Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô (STAVKA) ra chỉ thị số 3 yêu cầu các tư lệnh Phương diện quân và Tập đoàn quân tổ chức "lực lượng xung kích" để phản công[56], và đến ngày 16/10/1942 ra Chỉ thị số 325 yêu cầu sử dụng các quân đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới hoá cho các hoạt động thọc sâu. Ngày 6/11/1942, STAVKA chính thức mở đường quay lại với học thuyết cũ bằng phương pháp thực nghiệm khi ra chỉ thị yêu cầu chỉ huy và ban tham mưu các cấp thu thập, nghiên cứu và tổng kết kinh nghiệm chiến tranh[56]. Từ một khối lượng lớn kinh nghiệm thu thập được, Bộ Tổng Tham mưu Hồng quân đã tổng kết và xuất bản cuốn Điều lệ 1942 - 1943 mà chi tiết và hoàn thiện nhất là phiên bản năm 1944. Với nội dung chính hướng dẫn tấn công tuyến phòng ngự đối phương suốt chiều sâu và sử dụng thê đội cơ động gồm các đơn vị xe tăng - bộ binh cơ giới hoá khai thác chiến quả, thực hiện vận động chiến dịch, bản Điều lệ 1944 chính là hiện thực hoá mục tiêu của bản Điều lệ 1936[57].

Sự trưởng thành của Hồng quân trong nghệ thuật chiến dịch

Chuỗi chiến dịch mùa Xuân 1943

Tháng 2/1943, trận Stalingrad đi vào tàn cuộc cùng với hai chiến dịch thành công kế tiếp - Ostrogozhsk-RossoshVoronezh-Kastornoye - khiến STAVKA và các chỉ huy Hồng quân trở nên lạc quan quá mức. Họ tin rằng việc Cụm Tập đoàn quân Nam của Đức bị xé lẻ và thiệt hại nặng khiến Cụm Tập đoàn quân Trung tâm đang bị hở sườn, nên đây là thời cơ tổng phản công bao vây tiêu diệt cả hai cụm quân này. Hai chiến dịch Bước Nhảy vọtNgôi Sao được lên kế hoạch, với Phương diện quân Voronezh chiếm Kharkov - Bắc Ucraina, mở một hành lang nối các thành phố Rylsk - Lebedin - Poltava, còn Phương diện quân Nam tấn công Donbas kết hợp với cụm cơ động của Phương diện quân Tây Nam vu hồi từ phía Tây[58].

Tuy nhiên, đối diện với các Phương diện quân Hồng quân đã bị tiêu hao sau nhiều tháng chiến đấu là các đơn vị quân Đức được bổ sung đầy đủ, được chỉ huy khôn khéo. Khi Kharkov bị tấn công, thống chế Erich von Manstein chủ động rút lực lượng thiết giáp khỏi thành phố, tập trung xong mới điều xuống Donbas phản công vào khâu yếu nhất là Tập đoàn quân 6 của Phương diện quân Tây Nam; từ đó tiếp tục công kích cụm cơ động của tướng M. M. Popov đang bị hở lưng của Phương diện quân này. Khi cụm này bị đánh thiệt hại nặng thì Phương diện quân Voronezh bị hở sườn, buộc phải chi viện Tập đoàn quân Xe tăng số 3 cho Phương diện quân Tây Nam. Trong tình trạng kiệt quệ, Tập đoàn quân này bị bao vây và tiêu diệt ở túi Kegichevka. Sau khi mất hết lực lượng cơ động chiến dịch, Phương diện quân Tây Nam buộc phải bỏ Kharkov và rút sang phía Đông Donbas[59]; còn Phương diện quân Voronezh thì bị đẩy lùi sâu về phía Bắc Belgorod, hình thành mặt chính diện phía Nam của vòng cung Kursk[60].

Những thất bại này khi được xâu chuỗi với chiến thắng Stalingrad như là các chiến dịch phát huy chiến quả cho thấy rằng các chỉ huy của Hồng quân không đánh giá đúng tình hình hai bên, thiếu chu đáo trong lập kế hoạch và chủ quan, duy ý chí trong triển khai - những biểu hiện xác thực của giai đoạn chập chững thực hành nghệ thuật chiến dịch[61].

Chuỗi chiến dịch Hè Thu 1943

Đối mặt với cuộc tấn công mùa Hè 1943, các chỉ huy Hồng quân đã có một lựa chọn thận trọng khi tổ chức trận phòng ngự Kursk để làm đối phương suy kiệt trước khi phản công. Với một lực lượng dự bị dồi dào, vào thời điểm thuận lợi khi trận đánh sắp kết thúc, Hồng quân đã tung liên tiếp 2 chiến dịch tấn công: Kutuzov ở mặt Bắc và Rumyantsev ở cánh Nam.

Ở cánh Bắc, khi cuộc tấn công vòng cung Kursk của quân Đức đi vào bế tắc, thì ngày 12 tháng 7, chiến dịch Kutuzov bắt đầu với Phương diện quân Tây tấn công ở phía Bắc và Tây Bắc "chỗ lồi" Oryol. Vài cửa đột phá mở thành công, đe doạ Tập đoàn quân Thiết giáp 2 của Đức, khiến Tập đoàn quân 9 phải ngưng hoạt động ở Kursk để điều quân chi viện[62]. Ngay sau đó, Phương diện quân Bryansk mở mũi tấn công mới ở Nam Oryol, đe doạ luôn cả Tập đoàn quân 9, khiến Tập đoàn quân này phải lùi về phòng tuyến Hagen để thu ngắn chiều dài mặt trận, rút lực lượng ra bịt các hướng bị đột phá[62]. Khi mặt trận Bắc Oryol bế tắc, thì 2 Tập đoàn quân xe tăng Hồng quân được tung vào trận, trong đó Tập đoàn quân Xe tăng 4 khai thác thành công cửa mở của Tập đoàn quân Cận vệ 11, tiến quân vòng sau Oryol chiếm Karachev. Mất nút giao thông đường sắt tiếp vận chính và đối mặt nguy cơ bị bao vây, cụm quân Đức phải rút lui khỏi Oryol[62].

Cuộc tấn công Kursk của quân Đức ở cánh Nam mới chấm dứt vào ngày 16/7, thì ngay hôm sau cuộc tấn công nghi binh được mở ở sông Dniepr và Mius. Tin rằng Hồng quân ở hướng trực diện đang kiệt quệ, nên Erich von Manstein điều lực lượng thiết giáp xuống phía Nam. Ngày 3/8, hai Tập đoàn quân Cận vệ 5 và 6 của Phương diện quân Voronezh và Thảo nguyên mở cửa đột phá thành công để Tập đoàn quân Xe tăng 1 và Xe tăng Cận vệ 5 khai thác thọc sâu vào hướng Bắc Kharkov. Bất ngờ và bị động, Mainstein vội vã đưa lực lượng thiết giáp quay về, nhưng chỉ kịp chặn các mũi xe tăng Hồng quân ở Bogodukhov. Do Tập đoàn quân Xe tăng 1 tiến quá nhanh và tách khỏi bộ binh, Mainstein có cơ hội công kích bẻ gãy mũi tiên phong. Như thường lệ trước đó, Manstein đã có thể chiếm thế chủ động, tuy nhiên Tập đoàn quân Xe tăng 1 đã không nao núng mà tập kích trở lại, giữ thế giằng co[63], chờ Tập đoàn quân Cận vệ 6 cùng với Quân đoàn cơ giới Cận vệ 5 của Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 5 hợp lực. Lực lượng này linh hoạt phòng ngự - phản công, găm giữ cụm thiết giáp của Manstein để phần còn lại của Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 5 chuyển hướng phối hợp với các Tập đoàn quân bộ binh công kích Kharkov. Mất Kharkov, Manstein buộc phải rút quân qua bờ tây sông Dniepr[63].

Thành công ở hai chiến dịch này là cơ sở để Hồng quân mở tiếp chiến dịch Smolensk sau đó, hướng tới mục tiêu chiến lược của giai đoạn là cắt rời 2 cụm quân Trung tâm và Nam của Quân đội Đức Quốc xã. Chuỗi chiến dịch này đánh dấu sự trưởng thành của các chỉ huy Hồng quân trong nghệ thuật chiến dịch: phán đoán đúng tình hình - chuẩn bị hậu cần chu đáo; chiến dịch sau phát triển hợp lý trên chiến quả của chiến dịch trước - liền lạc trong một mục tiêu chung; mỗi chiến dịch tung ra đúng thời điểm, đạt được yếu tố bất ngờ và được chỉ huy linh hoạt trong suốt tiến trình; tất cả cho thấy một cách nhìn thực tế mà trước đó chưa có[64].

Những tiến triển của học thuyết từ thực tiễn chiến tranh

Chiến dịch vòng cung Kursk đánh dấu quyền chủ động đổi sang tay Hồng quân, đồng thời xác nhận những thử nghiệm của Hồng quân trong tổ chức lực lượng đang đi đến một cấu trúc phù hợp. Cũng từ đây, trong thế công Hồng quân đã có một số kinh nghiệm chiến thuật quý giá đúc rút từ thực tiễn. Những vấn đề này được tổng kết vào Điều lệ tác chiến 1944, Hướng dẫn công kiên 1944[65] và được áp dụng thống nhất cho đến cuối chiến tranh.

Những tiến triển về chiến thuật

Tổ chức hợp thành vũ khí của nhóm tấn công hoả điểm kiên cố - Hướng dẫn công kiên 1944

Thời gian 1943 chứng kiến thay đổi quan trọng của Hồng quân trong chiến thuật công kiên. Chiến thuật phổ biến trước đó đó là sử dụng bộ binh xung phong sau khi pháo bắn chuẩn bị. Ở các phòng tuyến kiên cố, hiệu quả phá hoại của pháo thấp, nên thương vong của bộ binh cao. Vấn đề chỉ giải quyết được sau khi các đội công kiên được tổ chức với thành phần 4 nhóm: một nhóm trinh sát mở đường tiếp cận mục tiêu dưới sự hỗ trợ của nhóm hoả lực trực xạ chế áp; một nhóm hoả lực pháo mạnh phân lập hoả điểm, chế áp hoả lực trợ chiến của đối phương trong khi nhóm tấn công chính có pháo tự hành tiến lên tiêu diệt[66].

Trước thời gian này, lực lượng thọc sâu của Hồng quân thường thiếu độ mềm dẻo về chiến thuật, dễ bị cắt rời khỏi hậu phương. Giữa năm, Hồng quân bắt đầu thử nghiệm tổ chức thê đội tiên phong để hoạt động trước đơn vị chính khoảng vài chục km, dựa trên cấu trúc cơ bản là một lữ đoàn xe tăng[Ct 16] được hợp thành với các đơn vị bộ binh cơ giới hoá, công binh, cối, pháo tự hành, chống tăng, phòng không - có hoả lực và sức cơ động mạnh để tự vệ và chiến đấu hiệu quả sau lưng địch[Ct 17]. Cách tổ chức này cho phép đơn vị chính giữ được khoảng cách vừa phải với đơn vị phía sau, bổ sung tiêu hao được cho thê đội tiên phong phía trước, bảo đảm năng lực giao chiến linh hoạt cho thê đội này. Đến cuối năm 1944, chiến thuật này được hoàn chỉnh khi mỗi thê đội tiên phong được một phi đội máy bay ném bom hỗ trợ, hoạt động xa đơn vị chính đến gần 100 km[66].

Tiến triển trong tổ chức lực lượng xe tăng - cơ giới hoá

Ở thời kỳ đầu chiến tranh, những sư đoàn cơ giới hoá được thành lập vội vã trước đó bị các mũi thiết giáp Đức xuyên phá dễ dàng. Cuối năm 1941, thành phần xe tăng trong các đơn vị cơ giới hoá còn lại được tách ra biên chế thành lữ đoàn hoặc trung đoàn xe tăng độc lập để phối thuộc vào các quân đoàn kỵ binh làm lực lượng thọc sâu[67][Ct 18]. Cấu trúc này nhanh chóng để lộ sai lầm: kỵ binh chỉ phát huy hiệu quả ở những địa hình khó cho xe tăng hoạt động như đồi dốc, đầm lầy, rừng núi và thường bị bóc khỏi xe tăng khi tác chiến ở thành thị và các nút giao thông. Trong vài trường hợp thọc sâu thành công, thì các đơn vị cơ động này cũng tỏ ra quá mỏng manh trước đối phương, dễ dàng bị bao vây tiêu diệt[69].

Nhận thức điểm yếu đó, giữa năm 1942 STAKA bắt đầu tổ chức các Quân đoàn xe tăng với biên chế cơ bản gồm 3 lữ đoàn tăng và 1 lữ đoàn cơ giới hoá, các Quân đoàn cơ giới hoá với 3 lữ đoàn bộ binh cơ giới hoá và một lữ đoàn xe tăng[70]. Cuối năm, các Tập đoàn quân xe tăng hình thành gồm 2 Quân đoàn tăng cộng với các đơn vị bộ binh hay kỵ binh. Tuy nhiên, biên chế hỗn hợp này không thành công khi các thành phần không hành tiến cùng tốc độ trên cùng địa hình, khó chỉ huy, dễ bị chia cắt[69]. Vì thế, từ giữa năm 1943, bộ binh và kỵ binh được đưa ra khỏi các Tập đoàn quân xe tăng, thay vào đó là một Quân đoàn cơ giới hoá cộng với các lữ đoàn pháo tự hành và đơn vị hỗ trợ đều được cơ giới hoá đồng bộ. Cấu trúc này phát huy hiệu quả và được giữ ổn định trong vai trò mũi nhọn tấn công thọc sâu cấp Phương diện quân cho đến hết chiến tranh.

Tiến triển trong cấu trúc Không quân

Trong vài tháng đầu của chiến tranh, những yếu kém trong huấn luyện và trang bị đã vô hiệu hoá khả năng phối hợp giữa Không quân Xô viết và lực lượng mặt đất. Tình trạng này dẫn tới STAVKA phải phối thuộc các sư đoàn Không quân cho các Tập đoàn quân nhằm đảm bảo vai trò chiến thuật. Tuy nhiên, mặt trái của cách tổ chức này là các hoạt động của Không quân bị xé lẻ, không tập trung được lực lượng ở hướng cần thiết[71].

Từ giữa năm 1942, STAVKA nhận thức được điểm yếu này và cấu trúc lại lực lượng[Ct 19]. Các Sư đoàn không quân được rút ra, tập hợp lại thành Tập đoàn quân Không quân hỗn hợp cả máy bay ném bom lẫn tiêm kích trực thuộc Phương diện quân, sử dụng các nhóm liên lạc đi theo các mũi tấn công mặt đất để phối hợp chiến thuật. Song song đó, STAVKA thành lập các Quân đoàn Không quân ném bom và tiêm kích riêng rẽ làm lực lượng trù bị, linh hoạt tăng cường cho các hướng chủ chốt[72]. Với cách tổ chức mới này, từ giữa năm 1943 trở đi, Không quân đã đóng một vai trò quan trọng trong từng chiến dịch dẫn đến chiến thắng cuối cùng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tác chiến chiều sâu http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.calvin.edu/academic/cas/gpa/goeb36.htm http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/House/House... http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/glantz3/gla... http://www.au.af.mil/au/awc/awcgate/opart/opart_nw... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://www.carlisle.army.mil/usawc/Parameters/1985... http://www.history.army.mil/books/OpArt/index.htm#... http://www.dtic.mil/cgi-bin/GetTRDoc?AD=ADA416926&...